Có lẽ, cô bé ấy đã tìm được điểm tựa cho cuộc đời mình, tìm được bàn tay sẵn sàng nắm chặt tay nó dù có chuyện gì xảy ra.
Bốn năm trước.
Ngày 1 tháng 8 năm 2009, Lan hớn hở khoe khắp xóm khi nhận được giấy báo nhập học. Từ nhỏ, nó đã mơ ước trở thành cô giáo, nó hay bắt mấy đứa trẻ hàng xóm cùng nó chơi trò cô giáo và lần nào nó cũng luôn đóng vai cô giáo. Mà ngày ấy cũng hồn nhiên lắm, cô giáo gì mà kì, học sinh hỏi gì cũng ậm ừ, lớp học như một tổ chim nháo nhác, không biết cô đâu, trò đâu. Những lúc ấy, Huy cậu lớp trưởng của lớp học “chim cú” đó lại được dịp thể hiện, đúng là Huy đã có tư chất cán bộ ngay từ lúc ấy.
Lan và Huy bằng tuổi, chúng học cùng lớp từ cấp một đến hết cấp hai, sang cấp ba tuy không còn cùng lớp nhưng chúng vẫn là đồng môn. Ngày cứ qua ngày, hai đứa chơi với nhau mà chả hiểu chúng thân nhau không nữa, lúc thì nói chuyện rôm rả lắm, khi lại lạnh lùng như không quen.
Thời gian cứ thế trôi đi, Lan và Huy đã làm lễ tốt nghiệp cấp ba, hồi ấy trường có tổ chức buổi liên hoan, có cả phần gửi những bức thư chưa dám gửi. Chúng nó háo hức lắm, ra sân trường rõ sớm, tìm ngay vị trí đẹp, đứa nào cũng mong nhận được thư mà. Lan cũng vậy, dù không nói ra, không tỏ ra quá hồi hộp như những đứa khác nhưng tim nó cũng đang đập nhanh hơn thường lệ. Thậm chí nó còn nghĩ đang phân vân không biết khi nhận được thư thì phải tỏ thái độ gì để đỡ bị đám bạn trêu trọc. Đầu óc nó cứ quay cuồng với những mơ tưởng ấy nhưng cuối cùng thì chẳng có anh chàng hay cô nàng nào gửi thư cho nó cả. Trong lòng nó thấy buồn, nhưng điều làm nó cảm thấy nặng nề hơn cả là bức thư của một cô bé nào đó gửi đến Huy, nhưng không phải thư tỏ tình mà là lời xin lỗi ngọt ngào. Nó cảm thấy ngột ngạt, nó cứ tưởng rằng bấy lâu nay Huy thích nó. Nó giận dỗi, Huy dỗ dành, nó trẻ con, Huy đều bỏ qua tất cả... Vậy mà Huy lại yêu người con gái khác từ bao giờ. Nó cố kìm lòng để không bật ra tiếng khóc, nó cười, nó đùa giỡn với đám bạn... để mà tối về nó ôm gối, nước mắt cứ thế chảy ra. Chắc hẳn nó không nghĩ nó mến Huy nhiều hơn nó tưởng.
Cuối cùng, cũng đến ngày nó đi nhập học, bỏ lại sau lưng cả thành phố cảng rực rỡ hoa phượng, nó lên thủ đô với đầy đủ nhất niềm tự hào của một tân sinh viên. Gia đình nó không thuộc diện chính sách, cũng không phải hộ nghèo nên phải khó khăn lắm nó mới xin được vào kí túc xá của trường. Quả thật, nó cũng mơ mộng lắm, nó tưởng tượng kí túc xá chẳng khác nào khách sạn nên khi được "mắt thấy tay sờ" nó vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhưng lúc đấy thì ván đã đóng thuyền, gạo đã nấu thành cơm nó vẫn phải mang đồ đạc vào kí túc xá ở với 11 người không quen, không biết. Tối hôm ấy, ăn cơm xong, cả nhà nó, ông bà nó, bố mẹ nó, chị em nó kéo nhau về hết, bỏ lại nó bơ vơ nơi đất khách quê người. Nó không khóc đâu nhưng nước mắt cứ cháy ra, nó buồn, nó tủi, nó không chào ai cả, nó sợ nó không đủ can đảm, nó không được phép nói gì nếu muốn nước mắt không chảy ra nữa. Nó lên phòng, nằm, nước mắt ướt gối và ngủ từ bao giờ không biết. Nhưng rồi nó cũng quen với những người xa lạ kia, nó nói chuyện nhiều hơn, cười nhiều hơn và mất cái cảm giác tủi thân buổi đầu.
Mưa! Đang đứng ở bến xe buýt bắt xe từ nhà đứa bạn về, nó làu bàu mưa to mà xe thì chẳng thấy đến. A, kia rồi, nhanh thôi, nó hí hức lao lên xe như một mũi tên. Và chuyện gì đến cũng phải đến, nó lao thẳng vào chú đứng trước mặt. Vội vã xin lỗi khi còn chưa cả ngẩng mặt lên. Người đàn ông ấy chỉ cười và nói nhỏ: “Mình già đến thế sao?” Thấy vậy, nó mới sững người, ngẩng mặt lên nhìn và nghĩ bụng: “Người này gọi là chú, mình hơi quá rồi, hihi.”, nó vội vàng sửa lại: “Anh cho em xin lỗi, tại mưa quá nên em không để ý.” Dù chữa ngượng thế nào thì mặt nó vẫn cứ hồng lên vì xấu hổ, từ nhỏ nó đã có cái tật này.
Nó nhanh chóng về phòng kí túc, rửa mặt mũi, ăn uống và nhanh chóng nhập hội buôn dưa và không quên kể cái sự "chết nhục" của nó. Hôm sau, đang tung tăng cùng đám bạn đến lớp, nó nhìn thấy cái gì đó quen quen. Và như không kiểm soát nổi, nó hét lớn: “A! Chú!”. Lại một, mà không chắc phải một chục cái ánh mắt ái ngại nhìn nó, trong đó không thể thiếu cái ánh mắt của người chú kia. Nó cúi mặt, đi cho nhanh bỏ lại đám bạn đang cười sung sướng. Nhưng chẳng hiểu ma xui, quỷ khiến thế nào mà nó cứ lao thẳng về phía chú đó và tất nhiên, lại va phải chú lúc nào không hay. Chú đó quay lại, nở một nụ cười và hồn nhiên nói: “Bé này thích va phải chú hay sao ấy nhỉ”. Lần này nó chỉ lí nhí: “Em xin lỗi anh.” và đi thẳng. Cả ngày hôm ấy, nó không ngừng bị đám bạn trêu đùa, xấu hổ không nói nên lời. Nó quyết định bỏ nhà đi bụi cho đỡ nhục với thiên hạ. Ai ngờ trái đất tròn, nó đang ngẩn ngơ giữa con đường hai hàng nhãn thì nghe tiếng gọi: “Bé ơi, chú ở đây nhé, đừng va phải chú nữa nhé!”. Nó giật mình quay lại, trời ơi, nguyên nhân gây ra nỗi nhục của nó, nó không nói gì, quay lại, tiếp tục đi bình thản như không có chuyện gì xảy ra nhưng trong lòng đầy ấm ức. “Này, đi đâu thế bé, tập thể dục cùng không?”, “Trời ơi, sao cứ theo tôi hoài vậy” - nó nghĩ thầm, và ngẩng đầu lên đáp lại hết sức nhẹ nhàng và nhã nhặn: “Dạ, em đi hóng gió. Em xin lỗi vì va phải anh và anh cũng cho em rút lại đại từ chú ạ”. “Không sao mà, hihi, đi cùng nhé!". Thế là kế hoạch đi bụi của nó bất thành nhưng nó vừa có thêm một người bạn.
Và từ chiều ấy, chiều nào nó và Phong cũng một người đi hóng gió, một người đi tập thể dục nhưng hai người họ luôn nắm chặt tay nhau. Phong hơn nó một tuổi, cũng đang học trường sát vách trường nó, Phong thuê trọ cùng cậu bạn cùng quê - người mà nó cứ quen gọi là “Nam hến” vì từ khi nó quen Phong đến giờ, ngót nghét cũng đã trải qua ba mùa Va-linh-tinh, vậy mà chẳng bao giờ Nam nói chuyện với nó quá chục câu. Nó hỏi Phong thì Phong bảo Nam tính nó ít nói sẵn rồi, ở phòng có hai thằng mà toàn mình độc thoại là chính. Cứ mỗi khi nói đến Nam, cả nó và Phong đều bật cười và thắc mắc: “Nó cứ câm như hến thế mà sao tán được cô bé xinh đáo để?”, “Thằng này chắc có duyên ngầm em ạ! Nhưng nó còn kém xa anh.”
Những ngày tháng ấy, vui biết mấy, những mùa đông ấy, ấm áp biết mấy, không cần biết đông hay hè, mưa hay nắng, chật hay rộng... Phong luôn nắm chặt tay nó. Mỗi khi ra đường đều có Phong nắm tay, nó quen cái cảm giác ấy mất rồi, nó quen được Phong che chở mất rồi. Giờ đây, nó chỉ còn một mình, liệu Phong có biết rằng, cái ngày định mệnh ấy, nó nói chia tay, nó nói không liên lạc nữa mà tim nó đau đến thế nào không. Nước mắt nó chảy ngược, chính nó đã buông tay Phong, nó hối hận sao không nắm chặt lấy bàn tay ấy, sao nó không một lần núi kéo, nó buồn, có lẽ cái “sĩ diện, cái tôi” của nó không cho phép nó làm thế. Và rồi, Phong cũng bỏ nó đi, Phong thôi nắm tay nó, Phong không đi tập thể dục bên cạnh để nó đi hóng gió nữa, Phong không nắm tay nó, kéo nó chạy thật nhanh ở công viên nữa, hai hàng nhãn như cũng buồn hơn khi không còn tiếng cười đùa của hai đứa. “Phong, Lan yêu Phong nhiều lắm! Lan cần cái nắm tay của Phong!”, không biết tin nhắn này đã được soạn ra xóa đi, lưu vào tin nháp không biết bao nhiêu lần. Phong nói, Phong cần thời gian suy nghĩ kĩ hơn, Phong nói, Phong yêu nó nhưng yêu là chưa đủ, Phong nói, nếu cần, Phong vẫn nắm tay nó, Phong nói,... Chẳng biết Phong đã gửi cho nó bao nhiêu là tin nhắn nữa, nhưng không một cuộc điện thoại, tất cả tin nhắn, nó đều đọc, đều lưu lại nhưng không trả lời bất cứ tin nhắn nào.Nó cứng rắn hơn chính nó tưởng. Gần bốn năm gắn bó, gần bốn năm bàn tay nó gắn với anh, chưa một lần đi cùng nhau mà anh thôi nắm tay nó, nó xem đó như chuyện bình thường và giờ khi mất đi rồi, nó mới thật sự cảm thấy hết ý nghĩa của hành động giản đơn đó. Phong đã đi làm rồi, Phong không còn ở thủ đô nữa, nó cũng ra trường và trở về quê hương xinh đẹp.
Ngày 1 tháng 8 năm 2014, nó có việc lên Hà Nội, nó không đi taxi, nó chọn xe bus, nó lên xe, nó lại thấy cái gì quen quen, nhưng không phải Phong mà là Huy, nó mừng như vớ được vàng, đã bao lâu rồi nó không gặp Huy?
Với nó, giờ Phong đã là quá khứ, Huy mới là hiện tại, nó sẽ nắm tay Huy thật chặt, nó sẽ chẳng buông tay Huy như nó đã từng làm với Phong. Có lẽ, cô bé ấy đã tìm được điểm tựa cho cuộc đời mình, tìm được bàn tay sẵn sàng nắm chặt tay nó dù có chuyện gì xảy ra.
No comments:
Post a Comment